Monday, October 21, 2013

Theo ĐCS Tiến Nhanh Tiến Mạnh Lên XHCN ???


Hãnh diện Việt Nam (!?)
by Nguyên Anh - 17 tháng mười 2013



Là một học sinh Việt Nam em rất tự hào khi được bạn bè quốc tế nói đến hai chữ Việt Nam và em hãnh diện vì điều đó, là một học sinh em được học tập dưới mái trường XHCN chứ không phải Tư bản chủ nghĩa, nơi mà người bóc lột người một cách thậm tệ. Em được học về quá khứ hào hùng dành độc lập của cha anh qua các bài toán đố có minh họa bằng xác những tên giặc, được học về lịch sử oai hùng của dân tộc trong đó có biết bao thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương mình với nhiều chiến công hiển hách còn lưu truyền lại, một Tô vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, một Phan đình Giót lấy thân mình lập lổ châu mai và còn rất nhiều anh hùng mà nghe đến quân thù vô cùng khiếp sợ như Lê văn Tám làm ngọn đuốc sống chạy với quãng đường dài làm nổ kho đạn Thị Nghè, anh Nguyễn văn Trỗi quyết tâm ém mình dưới…vũng sình chờ giặc đi qua mưu sát, hay chị Võ thị Sáu xem cái chết nhẹ tựa muỗi cắn trước khi ra pháp trường không quên hái những bông hoa sứ nhằm make up lại cái dung nhan tiều tụy…

Đất nước của chúng em dù mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh gần…40 năm, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng ta, nhà nước ta với các vị lãnh đạo có uy tín trên thế giới với học hàm học vị tiến sỹ, cử nhân hệ tại chức mà người ta thường nói dốt như chuyên tu, ngu như tại chức đã nâng tầm nước em lên vị thế mới.

Những nhà máy, công trường mở ra nhiều như chấu cắn, các nhà máy xi măng chạy ình ịch cả ngày lẫn đêm khói cao ngất trời, dĩ nhiên có hơi ô nhiểm một tý nhưng vì sự nghiệp xây dựng CNXH nên toàn dân nước em ai nấy cũng vui lòng. Từ các bao xi măng đó các công trình thủy điện mọc lên như nấm, dòng điện từ nguồn nước đã góp phần thắp sáng quê hương, ánh điện sáng rực một góc trời, từ thành thị đến nông thôn, trẻ em í ới tụ họp mỗi tối đi uống cà phê hút thuốc hát karaoke inh õi nhìn thật vui, tuy nhiên cũng nhờ có dòng điện đó bà con miền Bắc lại được thấy đường tìm đồ đạc mỗi khi thủy điện xã lũ vì sống chung với lũ là chuyện thường ngày ở nước em….

Là một quốc gia sông rạch chằng chịt, quê em nổi tiếng với những con đò, không phải bà con thích đi đò mà là….không có cầu để đi (!). Từ đó cho ra đời những bài hát câu hò ví dặm nói về vùng đất phù sa nên thơ và trìu mến được bạn bè quốc tế khắp năm châu biết đến và đi đò đã là một nét văn hóa truyền thống của nước em, từ đò sông Hương, chùa Hương cho đến đò miền Tây phục vụ việc du lịch của du khách cũng như các đại gia dư tiền rững mỡ tìm chút gió nội hương đồng…..

Nhưng với tầm nhìn sáng suốt của đảng ta về một vùng kinh tế trọng điểm (nói cho có văn vẻ thế thôi chứ thật ra quê em chỉ có làm lúa với vài loại cây trái làng nhàng) nên các vị lãnh đạo toàn là đầu óc chiến lược kinh tế vĩ mô với các quả đấm thép nhưng lại không có tiền để xây cầu tại xứ mình đã kêu gọi hô hào và được cộng đồng quốc tế tài trợ nhiều cây cầu hiện đại, từ cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ cho đến Đồng Tháp….

Và những cây cầu đó đều được những quốc gia tư bản tài trợ, cho vay không hoàn lại (vì nước chúng em làm gì có tiền để mà hoàn ?), có lẽ họ cảm thấy bị chinh phục bởi một quốc gia nhỏ bé mà anh hùng chăng? Từ đó bộ mặt vùng nông thôn thay đổi hẳn, các du khách í ới dừng xe chụp hình, các chị em bán hàng rong la chí chóe, cá biệt còn có những người thất tình, vỡ nợ leo lên hóng mát và trèo qua lan can buông mình xuống cho mát….

Về xã hội đất nước chúng em vô cùng tự do, tự do ăn, tự do nhậu, tự do té và tự do chết không ai cấm cản họ cả, đôi khi tai nạn xảy ra người ta cũng bu lại xem đông nghẹt nhưng chủ yếu là hôi của lượm tiền, lượm vàng hay lấy chiếc xe chứ không ai có lòng gọi điện thoại cho cấp cứu cả, mà nói chung có gọi khản cổ cũng chả có xe nào tới, mà tới làm gì khi nạn nhân đã thở hơi lên ?

Về an sinh xã hội nước em thì do hậu quả của bọn đế quốc thực dân gây nên chiến tranh cho nên dù đã thống nhất nhiều năm nhưng đảng và nhà nước nghèo vẫn hoàn nghèo, khi bệnh tật đau yếu hay đói quá thì tự chịu, tự bươn, quỹ an sinh xã hội trồi lên sụt xuống cho nên người dân chúng em chủ yếu hành nghề tự do để dành tiền mà chữa trị, ai có tiền thì là Tiên là Phật, còn kẻ không tiền thì sống làm gì cho chật đất…..

Về quốc tế đất nước chúng em ngày nay không còn là một quốc gia nghèo nữa, trai gái lớn lên đa số đều xuất ngoại, nào là Nhật bản Nam phi nào là Ăng gô la gô liếc, một số thì Trung quốc Đài loan, nam thì đi xuất khẩu lao động đóng góp nguồn ngoại tệ cho nước nhà (cái này em nghe báo đài nói chứ không biết ai thu và vào túi ai) còn nữ thì thường chọn một tấm chồng già để có tiền gửi về cho cha mẹ cất nhà cũng như phụng dưỡng và giúp đở anh chị em. Một diện mạo mới đã thay đổi làng quê, các căn nhà lá mau chóng biến mất và thay vào đó là những căn nhà lầu tuy nhiên có nhiều luận điệu của bọn thế lực thù địch chống phá đảng ta nhà nước ta cho rằng trai gái xứ em đi làm culi, osin hay là làm đĩ, nhưng em không tin điều đó vì dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của đảng thì làm gì có điều đó !

Và em cũng vô cùng hãnh diện khi người dân đất nước chúng em sau khi đi đến các quốc gia khác đã trốn ở lại, xin không về góp phần làm cho dân tộc Việt Nam hiện diện khắp nơi trên thế giới. Từ các quốc gia đó họ được ăn học, thành tài nhiều người được thế giới vinh danh như nhạc sỹ, kỹ sư, nhà toán học, chính trị gia, khoa học gia và mỗi khi nghe được điều đó là đảng ta, nhà nước ta không bao giờ quên khúc ruột nghìn dặm viết bài đăng báo vinh danh người dân Việt, cá biệt chủ tịch nước chúng em còn sang tận nơi lịch sự ngỏ lời cảm ơn chính phủ Mỹ đã cưu mang, giúp đở cho họ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các đ/c lãnh đạo đảng, nhà nước ta với người dân của mình.

Là một quốc gia hòa bình, em vô cùng tự hào và vui sướng khi được sống, học tập tại nước Việt Nam, một xã hội ổn định về chính trị cũng như kinh tế, em nguyện sống xứng đáng với máu xương các bậc tiền nhân đã hy sinh xương máu để chúng em có ngày hôm nay, và

em tự nhủ thầm phải họa thật giỏi, thật xuất sắc để…kiếm một suất du học tại một quốc gia văn minh và tiên tiến, sau đó em sẽ dùng kiến thức mình học hỏi….ở lại giúp chính cái nơi đã đào tạo ra mình, còn chuyện về quê hương thì quên nó đi, xưa rồi Diễm….

Em không có bị hâm !

No comments:

Post a Comment