Wednesday, January 22, 2014

csVN Muốn Mua Vũ Khí Mỹ Để Đánh Mỹ (?)

Mỹ cử sĩ quan tuần duyên tại đại sứ quán ở Hà Nội

Việt Nam muốn mua tàu tuần duyên cũ của Mỹ

HOA THỊNH ĐỐN (NV) .- Chính phủ Hoa Kỳ cắt cử một sĩ quan tuần duyên ở tòa đại sứ tại Hà Nội trong khi nhà cầm quyền CSVN muốn mua lại một số tàu tuần duyên cũ của Mỹ.

Đây là nội dung mà đô đốc Robert Papp, Tư lệnh lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ, tiết lộ với đài VOA trong cuộc phỏng vấn được đài này phổ biến hôm Thứ Tư 22/1/2014. Tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội vẫn có Tùy viên Quân sự, nay một viên chức tuần duyên có mặt sẽ biểu lộ sự hợp tác với Việt Nam về mặt an ninh hàng hải trên Biển Đông được phát triển tích cực hơn.

“Đây sẽ là lần đầu tiên chúng tôi cử một sĩ quan tuần duyên tới đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Nhưng hiện đã có các thành viên khác nhau của quân đội Mỹ làm nhiệm vụ tại đó trong vai trò sĩ quan liên lạc và tùy viên quân sự. Việc đưa một sỹ quan của lực lượng tuần duyên Mỹ tới làm việc tại một đại sứ quán Hoa Kỳ trên thế giới không phải là một điều gì đó bất bình thường”. Đô đốc Papp nói trong cuộc phỏng vấn.

Nội dung cuộc phỏng vấn không rõ rệt là Hoa Kỳ đã cử một sĩ quan tuần duyên đến làm việc tại Tòa đại sứ ở Hà Nội hay chưa. Tại một số nước có quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ cũng đã có sĩ quan tuần duyên bên cạnh tùy viên quân sự. Viên chức này cố vấn cho tòa đại sứ và hợp tác với nước sở tại về các vấn đề liên quan tới an ninh hàng hải.

Một số phái đoàn quân sự CSVN đã tới thăm nhiều tàu, phi cơ và cơ sở của Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ những năm gần đây. Tháng 9 năm ngoái, Đô đốc Robert Papp đã đến thăm Việt Nam trong dấu hiệu mở rộng hơn sự hợp tác với lực lượng Cảnh Sát Biển của Việt Nam. Dịp này, ông Papp được báo chí thuật lời nói Hoa Kỳ: “Tăng cường mối quan hệ đối tác lực lượng quản lý lãnh hải như cảnh sát biển Việt Nam là điều quan trọng nhằm cải thiện an ninh khu vực”.

Theo lời đô đốc Papp nói với đài VOA, Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ hiện đang giúp Việt Nam “tăng cường năng lực quản lý hàng hải sau khi nhận được đề nghị từ Hà Nội về việc tăng cường hợp tác và chia xẻ kinh nghiệm”.

Khi tới thăm Việt Nam hồi tháng 11-2013, ngoại trưởng John Kerry đã loan báo món viện trợ 18 triệu USD giúp Việt Nam mua 5 tàu tuần tra cỡ nhỏ, cải thiện khả năng tuần tiễu vùng biển dài hơn 3 ngàn km. Hà Nội cũng đang thương thuyết để được Nhật Bản cung cấp một số tàu tuần cỡ nhỏ cho Lực lượng Cảnh Sát Biển và cũng chưa thấy có các loan báo cụ thể. Ấn Độ thì đã đồng ý cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 100 triệu USD để nước này mua của Ấn Độ 4 tàu tuần tra.

Trong cuộc phỏng vấn của đài VOA, đô đốc Papp tiết lộ là “Lực lượng tuần duyên Việt Nam đã yêu cầu tiếp cận các tàu tuần tra khi chúng tôi ngưng sử dụng các tàu này. Dĩ nhiên chúng tôi muốn Việt Nam nhận những chiếc tàu mà chúng tôi cho ‘nghỉ hưu’. Nhưng cho tới lúc này, chúng tôi mới chỉ bắt đầu tiến hành trao đổi và thương thảo về việc đó.”

Năm ngoái, từng có tin nhà cầm quyền Việt Nam muốn mua lại một số máy bay tuần tra biển Orion P-3 đã qua sử dụng và hiện đang cho bụi bám ở một số căn cứ quân sự. Tuy nhiên, hiện vẫn không có tin tức nào rõ rệt cho thấy Hoa Kỳ đã gỡ bỏ toàn diện lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam hay chưa, cũng như đồng ý bán cho Việt Nam hay chưa.

Bởi vậy, những tin tức sơ khởi về ý định muốn mua máy bay tuần tra biển Orion P-3 của Hà Nội chỉ là có thể được bán máy bay nhưng không có các loại võ khí đi kèm. Hai năm trước, khi đến thăm Việt Nam, các nghị sĩ John McCain và Joseph Lieberman từng tiết lộ là Hà Nội trao cho các ông một danh sách dài các loại võ khí, trang bị quốc phòng muốn mua của Hoa Kỳ. Tuy nhiên các ông cho hay phía Việt Nam cần phải cải thiện nhân quyền trước, một điều mọi người đều thấy ngày một tồi tệ hơn.

Lời tiết lộ của đô đốc Papp với VOA diễn ra trong bối cảnh các dấu hiệu căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông mỗi ngày một gay gắt hơn vì chủ trương bành trướng bá quyền nước lớn của Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, Bắc Kinh cho nhà cầm quyền tỉnh đảo Hải Nam loan báo cấm tàu đánh cá của nước ngoài hoạt động trên Biển Đông trong phạm vi trách nhiệm của tỉnh này. Nếu không tuân lệnh, tàu có thể bị bắt giữ, phạt vạ những số tiền rất lớn, còn có thể bị tịch thu tàu và ngư sản nếu đánh được. Lệnh này có hiệu lực từ ngày đầu năm 2014. Bộ ngoại Giao Hoa Kỳ bình luận rằng hành động đó của Bắc Kinh là “khiêu khích và nguy hiểm” tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước trong khu vực.

Thành phố Tam Sa cấp huyện của tỉnh đảo Hải Nam bao trùm một vùng biển rộng lớn chiếm gần hết Biển Đông, trong đó gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và khu vực quần thể bãi đá ngầm Macclesfield rộng lớn mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Hôm đầu tuần, tin cho hay Trung Quốc đưa một đoàn chiến hạm gồm cả trực thăng và lính thủy quân lục chiến từ Hải Nam  xuống tập trận trên Biển Đông. Trước đó, Bắc Kinh đã cho hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cùng một số chiến hạm hộ tống tới tập trận trên Biển Đông.

Ngày Thứ Ba 21/1/2014, Bắc Kinh loan báo đưa một tàu hải giám lớn, trọng tải 5,000 tấn, xuống đồn trú thường trực tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung quốc đã có một số tàu hải giám và tầu tuần cỡ nhỏ tuần tiễu thường xuyên khu vực Biển Đông, nay đưa thêm một tàu cỡ lớn tới không ngoài ý định tăng áp lực đe dọa với các nước phía Nam đặc biệt là Việt Nam và Philippines. (TN)  · 

2 photos
 

No comments:

Post a Comment