Tuesday, January 21, 2014

Hán Cộng Vỡ Nợ

Không còn nghi ngờ về nguy cơ Trung Quốc vỡ nợ



 

Nợ Trung Quốc tăng nhanh trong một thời gian ngắn kỷ lục : tăng 400 % trong vỏn vẹn 4 năm. Sự ngông cuồng của các chính quyền địa phương là nguyên nhân đẩy nợ công của Trung Quốc lên cao. Kịch bản Trung Quốc vỡ nợ chỉ còn là vấn đề thời gian. Hậu quả sẽ tai hại hơn so với khủng hoảng ở Mỹ năm 2008-2009.
 

Hãng xe Pháp, Peugeot, chịu áp lực của chính phủ để mở cửa mời đối tác Trung Quốc, Đông Phương, tham gia vốn. Đối lập Syria đồng ý tham dự hội nghị Genève 2. Iran chính thức thi hành thỏa thuận tạm thời về hạt nhân. Hàng chục ngàn người biểu tuần hành trên đường phố Paris, chống dự luật nới lỏng các biện pháp cho phụ nữ phá thai. Đó là những chủ đề chiếm nhiều trang báo trong ngày. Dù vậy các tờ báo dành khá nhiều chỗ cho Châu Á.
Phần trang kinh tế của tờ Libération mở ra với bức ảnh tháp Eiffel đồ sộ ngự tọa ngay giữa tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc. Đây là nơi được mệnh danh là một Paris thu nhỏ : Nhà ở được kiến trúc theo mô hình của khu phố Haussmann sang trọng tại Paris, tháp Eiffel, đồi Montmartre, Khải Hoàn Môn. Thông tín viên của tờ báo mở đầu bài viết bằng một câu hỏi : Phải chăng Trung Quốc đang theo chân Hy Lạp, trở thành một quốc gia nợ nần chồng chất ? Tháng trước Viện kiểm toán quốc gia công bố một bản báo cáo, theo đó tổng nợ công của Trung Quốc đã tăng 400 % trong bốn năm qua : Tỷ lệ nợ công so với GDP của nền kinh tế số 2 trên thế giới đang từ 17 % nhảy vọt lên thành 58 %.

 

Tích chung cả nợ của Nhà nước lẫn tư nhân, thì tỷ lệ này tăng từ 131 % năm 2008 lên thành 215 % vào năm 2013. Đành rằng nợ công của Trung Quốc không thấm vào đâu so với Nhật Bản (250 % GDP) hay của Hy Lạp (160 % GDP), nhưng các con số nói trên cho thấy khu vực kinh tế Nhà nước Trung Quốc mắc nợ quá nhanh trong thời gian từ 4 đến 5 năm trở lại đây. Các con số nói trên càng đáng quan ngại hơn, khi biết rằng tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có khuynh hướng giảm sụt.
 

Tại sao nợ công của Trung Quốc lại tăng vọt trong thời gian gần đây ? Tác giả bài báo trả lời : Đó là do thái độ ngông cuồng, tiêu xài quá trớn của các chính quyền địa phương. Trong hai năm rưỡi vừa qua, tổng nợ công ở cấp địa phương tăng thêm 67 %, đạt ngưỡng 2.200 tỷ euro.
 

Chỉ cách thủ đô Bắc Kinh có một giờ lái xe, khoảng 3 000 ngôi biệt thự sang trọng vẫn chưa tìm được chủ. Tại một thành phố khác ở miền đông bắc Trung Quốc thì có tới hàng chục ngàn căn hộ do chính quyền bỏ tiền ra xây để rồi « ngồi trên một núi nợ cao không thua gì dãy Hy Mã Lạp Sơn » ! Thế rồi vùng Nội Mông, thành phố Hàng Châu, hay tỉnh Hồ Nam, chính quyền cũng đang « dở khóc dở cười ». Nơi thì ủy ban nhân dân thành phố không có sáng kiến nào hay hơn là dựng lên một chiếc tháp Eiffel cao 100 mét để phô trương sự phồn thịnh, chỗ thì đầu tư đến 10 triệu đô la để xây một bức tượng hình con cá khổng lồ ngay cổng vào của thành phố.
 

Libération nhận xét : Sự điên rồ đó không chỉ dừng lại ở các tỉnh lẻ, mà đã ngấm vào cả các thành phố lớn từ Bắc Kinh đến Vũ Hán, từ Trùng Khánh tới Quảng Đông … Hiện nay, cứ trên 100 tòa cao ốc đang được xây dựng trên thế giới thì có tới 60 công trình đang mọc lên tại Trung Quốc. Như lời một chuyên gia kinh tế người Mỹ đang làm việc tại Bắc Kinh, Michael Pettis, « một phần lớn các khoản đầu tư ở Trung Quốc được dùng để xây các tòa cao ốc không người ở, để kiến thiết những phi trường không bóng người qua lại hay những nhà máy vô dụng, để rồi nợ nần cứ tăng lên mãi ». Còn theo lời một người trong cuộc thì tình trạng nợ nần ở cấp địa phương Trung Quốc đã « hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát ». Không còn ai nghi ngờ về viễn cảnh Trung Quốc bị vỡ nợ. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Chuyên gia này nói thêm khi đó thì tác động sẽ còn nguy hại hơn so với những gì đã xảy ra tại Mỹ hồi năm 2008/2009. 


Bong bóng nợ Trung Quốc đã đạt 24 nghìn tỷ đô la

Một trong những công ty môi giới lớn nhất của Trung Quốc Haitong Securities cảnh báo các nhà đầu tư rằng, khối lượng cho vay tăng nhanh chóng ở Trung Quốc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo các ước tính gần đây, nợ của khu vực phi tài chính của Trung Quốc có thể vượt quá 150% GDP. “Chúng tôi lo ngại rằng, số nợ có thể tiếp tục tăng, trở thành một nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Khả năng xảy ra vỡ nợ trong năm tới (2014) năm có thể cao hơn vì sẽ có ngày càng nhiều các công ty Trung Quốc phải vay những khoản vay mới để trả các khoản nợ hiện có”, nhà phân tích Li Ning của công ty này nói.
Nhiều nhà đầu tư biết rằng , từ năm 2008, khối lượng cho vay ở Trung Quốc đã tăng 15,4 nghìn tỷ USD và hiện nay là 24 nghìn tỷ USD, tương đương với khối lượng cho vay của hệ thống ngân hàng của cả Nhật Bản và Mỹ cộng lại. Để so sánh, trong cùng kỳ, tổng tài sản của các ngân hàng Mỹ chỉ tăng 2,2 ngàn tỷ USD.
 

Tốc độ tăng trưởng cho vay đáng kinh ngạc ở Trung Quốc trong những năm gần đây là chưa từng có và không còn nghi ngờ, nó là bong bóng tài chính lớn nhất trong lịch sử. Trong 5 năm qua, khối lượng các khoản vay tại Trung Quốc tăng gần 30%/năm, bỏ xa các chỉ số của GDP, vốn tăng 8%/năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với của Nhật Bản không lâu trước khi bùng nổ bong bóng bất động sản vào năm 1990, và của Hàn Quốc trước cuộc khủng hoảng vào năm 1998, và thậm chí cả của Hoa Kỳ ngay trước khi sụp đổ thị trường nhà ở cho vay dưới chuẩn.
 

Trung Quốc đã cố gắng ảnh hưởng đến sự nhận thức đố với tình hình khi cấm các nhà báo đưa tin về quy mô của bong bóng nợ 24 ngàn tỷ USD, vốn đang được coi là một quả bom hẹn giờ trong bối cảnh lãi suất trong nước tăng nhanh. 

Trong khi đó, tiền của trời ơi tiếp tục rời khỏi Trung Quốc. Một số lượng lớn các nhà đầu tư giàu có Trung Quốc đang đưa tiền ra khỏi nước này và đầu tư chúng vào các tài sản nước ngoài như bất động sản tại Mỹ và châu Âu, kim loại quý_… 

Bước tiếp theo là gì? Giă tăng sự kiểm soát đối với hệ thống ngân hàng hay các biện pháp cứu trợ giống như chương trình mua lại tài sản tài chính rủi ro cao ở Mỹ TARP? Cơ hội để Trung Quốc hay nền kinh tế thế giới sẽ không bị tổn hại trong sự điên loạn tiền tệ này là cực nhỏ.

Politikus, vietnamdefence

No comments:

Post a Comment