Thursday, January 30, 2014

TQ Tấn Công, csVN Làm Gì?





Trung Quốc sẽ tấn công nước nào tại Biển Đông?

GS-TS Nguyễn Vân Nam
Tương lai gần, có thể trong năm 2014, Trung Quốc sẽ ra lệnh tấn công thần tốc chiếm một vài đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam có phản công chiếm lại? hay buộc phải thương lượng lâu dài với Trung Quốc?
 
Chủ nghĩa Đại Hán (cùng với nó là Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán) bắt rễ sâu xa trong lòng xã hội Trung quốc (TQ), cũng chưa bao giờ mất tầm quan trọng then chốt trong chiến lược đối ngoại của TQ. Thống nhất thiên hạ, mở mang bờ cõi, vì vậy, luôn được coi là sứ mệnh thiêng liêng, mục tiêu quan trọng hàng đầu của tất cả các triều đại phong kiến TQ.
 
Với những nước chưa thể, không thể thống nhất vào mình được, TQ luôn tự coi và bằng mọi cách biến các nước này thành chư hầu (thuộc quốc) của Thiên triều (Tông chủ). Thiên hạ chỉ có thể được coi là thái bình nếu được Thiên triều lãnh đạo. Thiên hạ ở đây không chỉ là các tiểu quốc trong biên giới đương thời mỗi vương triều, mà được mở rộng tùy theo sức mạnh, khả năng và tầm nhìn của Thiên triều. Thiên triều TQ hiện tại cũng không là ngoại lệ. Chỉ có điều, Thiên hạ ngày nay đã là Thế giới.
 
Điều đặc biệt nguy hiểm là: Do nhiều nguyên nhân có tính lịch sử, văn hóa, Chủ nghĩa Đại hán (CNĐH) ngày nay không chỉ là của tầng lớp thống trị, của tầng lớp trung lưu và người có học, mà còn được sự đồng tình của đa số dân chúng Trung hoa lục địa. Thiên chức của Thiên triều là nhất thống thiên hạ, mở mang bờ cõi; thần dân tất phải bảo vệ thiên đức mà ủng hộ thiên chức của Thiên triều. 

Cho đến khi TQ vẫn chưa có dân chủ thật sự, chừng đó thế giới vẫn phải đối mặt với CNĐH.
Là một sứ mệnh thiêng liêng của Chủ nghĩa ĐH, Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán (BTĐH), về bản chất không phải là để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, mà là bảo vệ, tôn vinh uy danh Thiên triều. Nghĩa là ngay cả khi có thể đáp ứng nhu cầu phát triển bằng cách khác mà không cần phải xâm chiếm, mở rộng lãnh thổ, TQ vẫn ngay lập tức thực hiện sứ mệnh này một khi thấy mình đủ khả năng, có cơ hội.

Đường màu đỏ: chủ quyền lãnh hải theo chủ trương của TQ trên Thái Bình Dương. Nguồn hình: vietak.com
 
Nhờ Toàn cầu hóa, TQ trở thành thị trường lớn nhất thế giới hấp dẫn hầu hết nhà đầu tư quốc tế, trở thành công xưởng của thế giới. Nhờ cách đánh giá sức mạnh kinh tế quốc gia vẫn còn bằng các chỉ số lạc hậu vốn chỉ thích hợp cho một nền kinh tế quốc gia đóng (GDP chẳng hạn), TQ được coi như một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Điều đó không chỉ khiến Thiên triều càng ngạo mạn, dân chúng thêm tự hào, mà còn làm họ tự tin hơn vào khả năng thực hiện Chủ nghĩa BTĐH.
 
Cơ hội thành công của Chủ nghĩa BTĐH không hề thấp. TQ hiện là cường quốc khu vực có ảnh hưởng quyết định đến thị trường các nước Đông Nam Á, là thị trường tiêu thụ hàng hóa quan trọng nhất của các nước đang có tranh chấp biển với TQ; là đối tác quan trọng hàng đầu của tất cả các nước công nghiệp phát triển, …Nhu cầu bức thiết về nguyên vật liệu, năng lượng cho một nền kinh tế không lồ như TQ là một nhu cầu có thật. Nó dễ dàng là lý do kinh tế biện minh cho những yêu sách lãnh thổ, che đậy bản chất của vấn đề là Chủ nghĩa BTĐH. Do là nhu cầu bức thiết để ổn định và phát triển một nền kinh tế mà cả thế giới ít nhiều đều phụ thuộc, việc TQ tranh giành, chiếm giữ, thậm chí xâm chiếm lãnh thổ cũng sẽ được cộng đồng quốc tế nghiêng theo hướng gây sức ép giải quyết theo hướng thỏa hiệp ‚dị hòa vi quí’ có lợi cho TQ.
 

Ngoài ra, TQ cũng nổi tiếng về sự phối hợp không đồng bộ, ít hiệu quả giữa chính quyền địa phương với trung ương. Trong vấn đề biên giới, TQ sẽ lợi dụng nó để đổ lỗi cho chính quyền địa phương, mở đường thoát cho chính quyền trung ương khi cần thiết.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng; bất công ngày càng lớn, càng nhiều; mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giữa người dân và giới cầm quyền ngày càng gay gắt; xung đột không thể giải quyết giữa tự do kinh tế với trói buộc tinh thần, chế độ chính trị; sự chính danh Thiên tử của đảng CSTQ;… là những vấn nạn ai cũng biết của TQ. Chủ nghĩa BTĐH lúc này là một giá trị chung, là cơ hội có thể dễ dàng thống nhất người dân, khiến họ tạm gác qua một bên những vấn nạn ấy.

 
TQ tấn công, csVN chíu chết.
Chủ nghĩa BTĐH thường bắt đầu bằng việc thể hiện sức mạnh bảo vệ chủ quyền, gắn liền chủ quyền với các yêu sách về lãnh thổ. Trước tiên đòi lại các lãnh thổ đã mất, thứ đến là các lãnh thổ vốn phải là của và sau cùng là các lãnh thổ lẽ ra phải là của Thiên triều. Hiện nay, TQ được giới quan sát phương Tây gọi là một cường quốc khu vực hung hăng ‚assertive power’ cả về ngoại giao lẫn quân sự, cố ý tạo ra những căng thẳng về ngoại giao để nhấn mạnh yêu sách về chủ quyền của mình.


Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010. Hình: Park Yeong-Dae/AFP
 
Đường biên giới trên đất liền của TQ tương đối ổn định. Lâu nay, trừ một ít ngoại lệ, TQ chấp nhận hiện trạng biên giới, chưa lần nào chính thức tuyên bố yêu sách lãnh thổ trên đất liền. Biên giới biển thì ngược lại. Các vùng biển đang có tranh chấp đều được TQ tuyên bố là vùng lãnh thổ có ‚Lợi ích cốt lõi’ của mình, phải cương quyết giữ hoặc giành lại. (trong khi Đông Nam Á chỉ là vùng nằm trong ‚Lợi ích quốc gia’ của Mỹ).
 
Biển đông hay đảo Điếu ngư (Nhật Bản) quan trọng hơn? Một nửa số tàu biển đang lưu thông của thế giới chạy qua Biển đông. Đây cũng là tuyến hàng hải quan trọng nhất nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Kiểm soát được Biển đông, đồng nghĩa với kiểm soát thương mại quốc tế. Biển đông còn được đánh giá có trữ lượng tài nguyên, khoáng sản rất lớn có khả năng góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của TQ. Đảo Điếu ngư không có những yếu tố này.
 
Biển đông hay Điếu ngư dễ giành được hơn? Điếu ngư có dân sinh sống, hiện do Nhật chiếm hữu và thực thi chủ quyền (quản lý) liên tục từ lâu. Như vậy, căn cứ vào Công pháp quốc tế, nó là lãnh thổ của Nhật. Về cơ bản, TQ chỉ dựa vào lý do là người phát hiện đầu tiên – với chứng cứ là các tấm bản đồ của TQ – để đòi chủ quyền đối với Điếu ngư. Nhưng một mặt, ‚Phát hiện’ – dù được một quốc gia tuyên bố chính thức – cũng không đồng nghĩa với ‚Chiếm hữu’. Lập luận này của TQ dựa vào lý luận chủ quyền biển cổ lỗ vốn chỉ phổ biến và được công nhận ở Châu Âu cũ: sở hữu lãnh thổ chỉ cần qua một hành động quản lý tượng trưng.
Mặt khác, theo Công pháp quốc tế hiện hành, các tấm bản đồ không thể được coi là chứng cứ pháp lý chứng tỏ một hiện trạng quản lý – chính trị trong thực tế, mà thường chỉ thể hiện thế giới quan, thậm chí là ước muốn của người lập ra chúng mà thôi. 
Nhật là cường quốc kinh tế thế giới; các công ty Nhật hoạt động tại Trung quốc có ảnh hưởng mạnh đến kinh tế TQ; căn cứ vào Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Nhật, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật khi Điếu ngư bị TQ tấn công. Như vậy, đối với TQ, tranh chấp Điếu ngư chỉ có tính chất tượng trưng chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Thiên triều; là màn kịch đánh lạc hướng quan tâm của các nước quanh Biển đông; và – quan trọng nhất – là con bài ngã giá để Nhật và Mỹ có lý do không can thiệp khi TQ mạnh tay ở Biển đông. Tranh chấp Điếu ngư, vì vậy, chắc chắn sẽ được giải quyết bằng các thỏa thuận ngầm.


Tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần tra bờ biển của Nhật vào tháng 9.2010. Hình: TL (sstt.vn)
 
Các đảo hiện đang tranh chấp tại Biển đông vốn đều không có dân sinh sống từ trước. Việc chứng minh thủ đắc lãnh thổ, có chủ quyền theo nguyên tắc ‚Chiếm hữu và thực thi chủ quyền liên tục’ là hầu như không thể. Chứng minh chủ quyền mang tính lịch sử là một việc hết sức khó khăn, luôn gây tranh cãi. Không nước nào đang liên quan đến tranh chấp tại đây có đủ bằng chứng chắc chắn, không thể tranh cãi, về chủ quyền mang tính lịch sử của mình.
 
Bộ Qui tắc ứng xử Biển đông (COC) tôn trọng và bảo vệ lợi ích các bên một cách bình đẳng, công bằng sẽ là cách giải quyết tốt nhất. Nhưng Thiên triều không thể chấp nhận bình đẳng với thuộc quốc. TQ sẽ trì hoãn tối đa việc ký kết một Bộ qui tắc như vậy. Sự không chắc chắn về chứng cứ, mập mờ về cơ sở pháp lý, chưa có nguyên tắc giải quyết chung của các bên chính là lợi thế của TQ. Sự khác biệt rõ ràng về lợi ích, quan điểm, và mức độ phụ thuộc vào TQ của từng nước trong khối ASEAN, cũng là một thuận lợi không nhỏ đối với TQ.
 
Mỹ xoanh trục chiến lược về Châu Á-Thái Bình Dương khiến các nước đang có tranh chấp với TQ an tâm, cứng rắn hơn; nhưng thể diện Thiên triều cũng bị thách thức. TQ sẽ phải có hành động đáp trả mạnh mẽ hơn. Tranh chấp mới đây tại Biển đông đã diễn ra dưới mọi hình thức, trừ tấn công chiếm đảo. Nay TQ đã tự đặt mình vào thế ‚Cung đã giương, tên không thể không bắn’.
 
Để phù hợp với các điều kiện khách quan và có thể đạt được mục tiêu, tấn công chiếm đảo trong bất kỳ tình huống nào cũng không được khơi mào một cuộc chiến tranh giữa TQ và một nước trong vùng, càng không được phép trở thành lý do cho phép Mỹ hoặc cộng đồng quốc tế can thiệp bằng vũ lực. Vì vậy, nó sẽ phải là cuộc tấn công tổng lực thần tốc, bảo đảm chiếm được đảo chỉ trong nửa ngày, chậm nhất là một ngày. Ngay sau đó, TQ sẽ ra tuyên bố vẫn bảo đảm tự do lưu thông hàng hải quốc tế qua biển đông; có thể lấy làm tiếc về hành động quân sự của chính quyền địa phương,…. Đồng thời sử dụng toàn bộ các quan hệ, sức mạnh kinh tế đối với nước mất đảo; thuyết phục Mỹ, LHQ, EU gây sức ép, buộc nước mất đảo nhân nhượng, chấp nhận không phản công quân sự và phải thương lượng với TQ vì lợi ích của cộng đồng quốc tế.
 
Các đảo thuộc Philippines hay Việt Nam trong quần đảo Trường sa sẽ bị tấn công? Một mặt, do Philippines đã khởi kiện TQ ra Hội đồng Trọng tài QT, nên TQ có nghĩa vụ tuân thủ khoản 03 điều 2 Hiến chương LHQ và Điều 279 UNCLOS không thể dùng vũ lực đối với Philippines nữa. Mặt khác, Philippines cũng có Hiệp ước liên minh quân sự với Mỹ. Dù đảo tranh chấp có thể chưa được chính thức xem là lãnh thổ của Philippines để được Mỹ bảo vệ, nhưng theo Hiệp ước này, Mỹ phải can thiệp khi lợi ích quốc gia của Philippines bị đe dọa và được Philippines chính thức yêu cầu. Trong bất cứ trường hợp nào, cũng không thể chắc chắn được Mỹ sẽ không can thiệp. Đây là một rủi ro lớn mà TQ không muốn.
 
Việt Nam chưa khởi kiện TQ ra một tổ chức quốc tế; cũng không có Hiệp ước liên minh nào với Mỹ. Quan hệ liên minh, sự giúp đỡ quân sự truyền thống của Nga với Việt nam (như trong cuộc chiến biên giới 1979) cũng không đáng ngại, do TQ có thể gây áp lực tại biên giới đất liền với Nga làm đối trọng và nếu việc chiếm đảo thành công trong thời gian đủ ngắn. VN còn là nước phụ thuộc về kinh tế vào TQ hết sức nặng nề (nặng nhất trong các quốc gia có tranh chấp biển với TQ), đặc biệt là vào giao thương tiểu ngạch qua biên giới đất liền với TQ. Đóng cửa biên giới đất liền sẽ là đòn trí mạng đối với nền kinh tế Việt Nam cho trường hợp VN phản công chiếm lại đảo. Quan hệ giữa đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và đảng CSTQ hiện là một quan hệ ý thức hệ tư tưởng chặt chẽ nhất, quan trọng và đặc biệt nhất trong các quan hệ của ĐCSVN với các đảng phái chính trị nước ngoài. Thiên triều biết cách sử dụng quan hệ này một cách hiệu quả nhất để buộc VN phải chấp nhận thương lượng sau khi mất đảo.
 
Như vậy, trong tương lai gần (có thể trong 2014) một ‚chính quyền địa phương’ của TQ sẽ ra lệnh tấn công thần tốc chiếm một vài đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam không thể phản công chiếm lại, mà sẽ buộc phải thương lượng lâu dài với TQ để chấp nhận hiện trạng mới này.

No comments:

Post a Comment